Mực khô là món ăn làm từ mực tươi đánh bắt ở biển bằng phương pháp sấy hoặc phơi khô. Đây là món ăn được thơm ngon, bổ dưỡng và được chế biến theo nhiều cách khác nhau mà phổ biến nhất là mực nướng và mực rim. Mực khô là đặc sản của các tỉnh miền biển và được đưa đi tiêu thụ khắp mọi nơi. Và để giữ được chất lượng mực khô qua nhiều ngày thì bảo quản đúng cách là rất quan trọng. Nếu bảo quản không tốt thì mực khô rất dễ bị mốc và bị cứng. Vấn đề đặt ra là bảo quản mực khô như thế nào ? làm sao để xử lý mực khô khi bị mốc, bị cứng ?
I. CÁCH BẢO QUẢN MỰC KHÔ ĐÚNG CÁCH
1. Bảo quản mực khô khi có tủ lạnh
Gói mực khô trong giấy báo, cho vào túi nilon và gói kín. Sau đó bỏ trong ngăn đá tủ lạnh và dùng dần. Khi cần chế biến thì lấy ra và rã đông.
Cách bảo quản này giúp mực giữ được chất lượng, không bị nấm mốc, khô cứng hay mất dinh dưỡng trong vòng 4 tháng. Nếu để trong tủ lạnh quá lâu, ngoài thời gian này có thể giảm chất lượng mực.
Không để mực khô cùng với các thực phẩm còn tươi. Bởi vì vi khuẩn có trong thực phẩm tươi sẽ dễ dàng lây lan, xâm nhập vào mực khô. Làm mực bị biến chất, dễ sinh nấm mốc và hư hỏng nhanh hơn.
2. Bảo quản mực khô khi không có tủ lạnh
Cách bảo quản mực khô khi không có tủ lạnh phức tạp hơn so với khi dùng tủ lạnh. Tuy nhiên, nếu biết bảo quản đúng cách sẽ giúp mực giữ được chất lượng không thua kém khi bỏ trong tủ lạnh.
Cách bảo quản mực khi không có tủ lạnh như sau: Gói mực vào giấy báo rồi bọc kín trong túi nilon. Để nơi khô ráo, tránh ẩm ướt. 1 tuần đem phơi nắng 1 lần để ngăn ngừa nấm mốc và giữ được hương vị thơm ngon của mực khô.
Như vậy, cùng với việc chọn lựa mực khô chất lượng thì bảo quản mực khô là công đoạn rất quan trọng giúp mực duy trì được dinh dưỡng và hương vị thơm ngon. Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong việc bảo quản cũng như xử lý đúng cách mực khô khi bị mốc và bị cứng.
II. XỬ LÝ MỰC KHÔ BỊ MỐC
1. Nhận biết mực khô bị mốc
Cách nhận biết mực khô bị mốc rất đơn giản, chỉ cần qua các giác quan, cụ thể:
– Nhìn thấy các đốm màu đen và màu xanh trên thân mực. Mức độ nhẹ thì chỉ bị mốc một đám nhỏ, nặng hơn thì mốc trải đều trên toàn thân mực.
– Không còn ngửi thấy mùi thơm và tanh nhẹ của mực mà bị mùi hắc lấn chiếm.
– Nếu không may ăn phải thì mực bị mốc có vị đắng nghét rất khó chịu.
Lưu ý: Nhiều người lầm tưởng lớp trắng phấn trắng trên thân mực là mốc. Đó không phải mốc mà là hiện tượng tự nhiên, không làm giảm chất lượng mực mà còn tăng thêm mùi thơm và vị ngọt cho mực. Chỉ khi thân mực xuất hiện đốm đen và xanh mới là vấn đề đáng lo ngại.
2. Nguyên nhân mực khô bị mốc
Nguyên nhân phổ biến khiến mực khô bị mốc là do bảo quản không đúng cách. Để mực khô ở nhiệt độ phòng, bỏ những nơi ẩm ướt hoặc bỏ vào ngăn mát tủ lạnh lâu ngày.
Bên cạnh đó, việc mua phải mực khô cũ, đã để lâu ngày tại các cửa hàng cũng là nguyên nhân làm mực nhanh bị mốc. Bởi vậy, việc chọn cửa hàng uy tín để mua mực khô là điều rất quan trọng, quyết định đến chất lượng sản phẩm.
3. Cách xử lý mực khô bị mốc
Cách xử lý sai : Rửa sạch, phơi nắng và sử dụng lại.
Vì mực khô là món ăn bổ dưỡng, được mua với giá khá cao nên khi thấy mực bị mốc nhiều người vì tiếc mà tận dụng bằng cách rửa sạch rồi phơi nắng. Vậy câu hỏi đặt ra là mực khô rửa sạch có ăn được không?
Trong thực phẩm bị nấm mốc có chứa các thành phần gây hại cho sức khỏe con người. Đặc biệt, nấm mốc sản sinh ra độc tố aflatoxin rất nguy hiểm, có thể gây ung thư gan. Các nghiên cứu cho thấy chỉ cần hấp thụ một lượng 2,5 mg aflatoxin trong vòng 3 tháng có thể dẫn đến ung thư gan chết người.
Khi rửa sạch mực khô và đun sôi thì vẫn không tiêu diệt được aflatoxin vì nó là độc tố khá bền vững, vẫn tồn tại ngay cả trong nhiệt độ cao. Do đó, đem mực khô rửa sạch, đun sôi, phơi nắng vẫn không thể hết mầm bệnh nguy hiểm.
Cách xử lý đúng: Tùy mức độ nghiêm trọng của nấm mốc để tận dụng đúng cách hoặc vứt đi.
Nếu mốc ở mức độ nhẹ, tức chỉ bị một đám nhỏ mà chưa lan hết cơ thể mực thì có thể tận dụng bằng cách cắt bỏ phần bị mốc rồi tiếp tục chế biến. Ngoài ra có thể rửa sạch nấm mốc bằng nước ấm 60 độ C hoặc dùng vải sạch nhúng dấm axit axetic 5% (citric 3%) lau sạch chỗ mốc rồi đem sấy lại và bảo quản ở nhiệt độ thấp.
Khi nấm mốc đã ở mức độ nặng, các đám mốc màu đen và xanh dày đặc khắp thân mực thì không thể tận dụng được nữa bắt buộc mà phải vứt đi.
III. MỰC KHÔ BỊ CỨNG
1. Nhận biết mực khô bị cứng
Trong 100g mực khô có chứa 32,6g nước. Do có nước nên mực khô thường có độ dẻo nhất định. Dùng tay để ấn thấy có độ đàn hồi và có thể bẻ cong con mực. Khi mực khô bị cứng thì không thể dùng tay để bẻ cong mực như vậy được.
2. Nguyên nhân mực khô bị cứng
Mực khô bị cứng là do mực được bảo quản trong ngăn đông của tủ lạnh. Khi đó mực bị đóng băng và đông cứng. Tuy nhiên thành phần dinh dưỡng và độ ẩm có trong mực vẫn không mất đi. Mực bị cứng nhưng vẫn tươi ngon như thường.
Mực để trong tủ mát lâu ngày cũng có thể bị cứng. Bởi vì ngăn mát tủ lạnh có khả năng hút ẩm trong thực phẩm nên mực khô bị hút nước và trở nên cứng lại.
3. Cách xử lý mực khô bị cứng
Xử lý mực khô bị cứng rất đơn giản, dưới đây là cách phổ biến mà các bạn có thể tham khảo.
Thứ nhất. Bỏ mực ra khỏi tủ lạnh rồi ngâm vào nước đến khi mực mềm. Thời gian mực mềm tầm 25-30 phút. Cần lưu ý không để mực tiếp xúc trực tiếp với nước, vì chất dinh dưỡng có trong mực có thể bị hòa tan trong nước. Nên bọc mực thật kín trong túi nilon rồi sau đó mới đem ngâm nước.
Thứ hai. Trước khi chế biến, lấy mực ra khỏi tủ lạnh và để ở nhiệt độ phòng trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Khi đó mực sẽ được rã đông tự nhiên, mềm và dễ dàng chế biến.
Thứ ba. Bỏ mực khô ra ngoài tầm 10-15 phút cho bớt lạnh, sau đó dùng chày hoặc đồ vật cứng đập nhẹ nhàng lên mực đến khi mực mềm. Cách này vừa giúp tiết kiệm thời gian rã đông, vừa giúp mực được mềm và dễ chế biến hơn.